Trà là loại thực vật được dùng phổ biến trên thế giới, nhất là Châu Á. Tuy Tây phương có loại trà đen cũng phổ biến không kém nhưng so sánh thì tác dụng làm dược liệu kém hơn trà xanh. Có thể nói, trà là loại giải khát được ưa chuộng và Đông phương cũng sử dụng như một vị dược liệu gia giam cho bài thuốc.
Công dụng của trà đối với não bộ
Đối với Tây phương, bệnh giảm trí nhớ (alzheimer) rất khó chữa trị nhưng sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng trà có thể giúp cải thiện được não bộ, một nguyên nhân làm cho người ta mất trí nhớ. Theo một công bố mới nhất đăng trên Phytotherapy Research thì uống trà hàng ngày có thể làm tăng hàm lượng hoá học tên là acetycholine trong não bộ.
Khi chất hoá học thiết yếu này sụt đến một mức nào đó, người ta sẽ bị giảm trí nhớ. Với chiều hướng này, các nhà khoa học Anh Quốc cũng đã chứng minh được các loại trà xanh, trà đen đều có thể ức chế được các enzyme tác động đến sự sụt giảm chất acetycholine. Đặc biệt, trà còn ngăn chặn được hoạt động của một enzyme khác là Butyrylcholine-sterase hiện diện trong não bộ các bệnh nhân bị chứng Alzheimer.
Kết hợp những cuộc nghiên cứu với nhau, các nhà khoa học tin tưởng rằng sẽ tìm ra phương thức chữa trị hoàn hảo cho chứng bệnh mất trí nhớ đang phát triển trong nhân loại.
Tuy trà có thể coi như một loại dược liệu nhưng riêng ở Ấn Độ lại đang báo động vì thói quen người dân thích uống trà được chế biến bằng các loại lá cây như mãng cầu, đu đủ, v.v… Theo nghiên cứu, các lá thuộc họ có hạt tuy không tác dụng tức thời nhưng rất hại cho hệ thần kinh, nhất là ở người lớn tuổi.
Nhóm khoa học Ấn Độ đưa ra một thống kê cho thấy 87% người dùng thường xuyên các loại trà này có triệu chứng rối loạn thần kinh, giảm khả năng phán đoán giống người bị Parkinson. Ngoài việc chuyên người Ấn Độ không nên dùng thường xuyên các loại trà “chế biến”, họ cũng cảnh cáo sẽ còn nhiều nguy cơ khác bởi vì các loại cây này cho quả nên thông thường được phun thuốc trừ sâu nhiều hơn cây trà chính gốc, do đó dễ dẫn đến bệnh tật do nguyên nhân từ các độc chất sót lại trên lá.
Thật ra, trà hầu như không có tác hại đối với cơ thể, thậm chí còn là một thức uống tốt cho hệ tiêu hoá. Theo các nhà nghiên cứu ở Đài Loan, người uống trà còn giúp cho cơ thể ngăn ngừa được chứng cao huyết áp nhờ vào chất theanine và polyphenols. Hai vi lượng này có tác dụng trợ giúp cho tim mạch, nhờ vậy làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và stress.
Để có được kết quả này, các nhà khoa học Đài Loan đã theo dõi trên 1.500 người có độ tuổi từ 20 trở lên. Trong số này có đến 600 người uống trà thường xuyên và không ai có dấu hiệu của huyết áp cao. Theo con số thống kê thì những người uống thường xuyên với liều lượng từ 120 đến 600ml trà mỗi ngày đã giảm được nguy cơ bị huyết áp cao tới 46% so với những người không uống trà thường xuyên và giảm 60% so với người không uống trà.
Tác dụng của trà xanh và trà đen
Người phương Đông thường dùng trà xanh – dùng tươi hoặc phơi khô với nhiều hương vị khác nhau – và cũng đã biết trà xanh có nhiều công dụng hơn chỉ là thức uống thông thường. Theo các nhà khoa học nghiên cứu thì trà xanh có thể giúp cơ thể phòng chống được tác nhân gây ra ung thư; ngăn ngừa chứng viêm khớp nhờ có nhiều polyphenol; lợi cho tim mạch; diệt khuẩn ở răng miệng và tì vị, vv..ngoài ra trà xanh còn có chứa nhiều dưỡng chất mà mỗi vị đều có công dụng khác nhau, thí dụ như:
– Cafein giúp người uống giảm được mỏi mệt, tinh thần tỉnh táo, ngăn ngừa buồn ngủ khi cần thiết phải thức, lợi tiểu tiện, mát người.
– Catechin làm giảm nguy cơ cao huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, diệt được một số loại vi khuẩn thông thường như E-coli.
– Vitamine C: giúp não bộ hoạt động tốt làm giảm bớt stress, ngăn ngừa cảm cúm.
– Vitamine E là sinh tố cần thiết cho cơ thể, chống lại oxy hoá khiến quá trình lão hoá chậm lại.
– Polysaccharides: ngăn ngừa hàm lượng đường trong máu tăng cao.
– Flavonoid: giúp các cơ vành động mạch vững chắc, ngừa chứng hôi miệng do vi khuẩn.
Ngoài ra, trong trà còn có Theanine là chất tạo hương vị riêng cho từng loại trà, vì vậy nếu pha trà không đúng cách sẽ mất đi mùi thơm phần nào, thậm chí phá hỏng cả chất polyphenol hữu ích. Riêng Tây phương và Ấn Độ thường sử dụng trà đen nhiều hơn.
Trà đen cũng có những sinh tố và dưỡng chất như trà xanh nhưng khi ủ bị biến chất khá nhiều, vì vậy không ích lợi bằng trà xanh. Tuy nhiên, trà đen lại có thêm chất theaflavin và theartbigen – những chất tạo nên màu đen cùng hương vị đặc trưng của loại trà này – lại là những dưỡng chất mà trà xanh không có.
Theo sự nghiên cứu của Tiến sĩ J.Vita ở đại học Boston, theo dõi trên số 66 người có uống trà khoảng 4 tách mỗi ngày thì vấn đề tim mạch của họ được cải thiện rõ rệt, không có dấu hiệu của chứng đột quỵ mà người ở độ tuổi đó thường mắc phải.
Còn theo nghiên cứu của Viện quốc gia Hà Lan thì việc uống trà đen không những giúp cho cơ thể giải được các độc chất mà còn có liên hệ với chứng đột quỵ ở người già hoặc có tiền sử về tim mạch. Theo sự nghiên cứu từ 552 người đàn ông trong thời gian dài khoảng 15 năm, các nhà khoa học Hà Lan đã kết luận chính chất flavonoid trong trà có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và nhờ vậy tránh được bệnh tim mạch.