Hướng dẫn cách làm cơm tấm Sài Gòn thơm ngon chuẩn vị

0
14
Hướng dẫn cách làm cơm tấm Sài Gòn thơm ngon chuẩn vị
Cơm tấm Sài Gòn thơm ngon, chuẩn vị

Là người Việt Nam, món ăn gắn bó với từng giai đoạn, thật không thể không kể đến cơm tấm Sài Gòn. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể tự làm cơm tấm chưa? Hãy để chúng tôi hướng dẫn bạn cách làm cơm tấm Sài Gòn thơm ngon chuẩn vị nhé.

Nhắc đến cơm tấm, người ta thường nhớ đến những chiếc xe kính lách cách trong căn hẻm nhỏ hay tại vỉa hè rợp bóng cây với vài chiếc bàn nhỏ cùng ghế nhựa đơn sơ. Nói đến đây, chắc hẳn ai cũng liên tưởng về những làn khói đem theo hương vị đặc trưng của vỉ thịt nướng. Tất cả đều làm ta cảm thấy bụng bỗng nhiên đói cồn cào đến lạ.

Cơm tấm là món ăn dân gian không hề dễ thực hiện. Để làm tốt món ăn này, bạn phải thực sự hiểu nó, nắm bắt thật rõ công thức.

Công đoạn thực hiện cơm tấm trải qua khá nhiều bước, từ ướp thịt, sôi gạo, làm bì, chả trứng, cho đến các loại nước chấm đặc biệt.

Hướng dẫn cách làm cơm tấm Sài Gòn thơm ngon chuẩn vị
Cơm tấm Sài Gòn thơm ngon, chuẩn vị

Cách làm cơm tấm Sài Gòn ngon đúng điệu

Nấu cơm tấm đúng chuẩn

Gạo để nấu cơm tấm phải là gạo bể, trong quá trình sàng gạo được rơi ra. Thực chất, loại gạo này là thức ăn cho gia súc và cũng là thứ duy nhất cứu đói thời khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay, người ta cải tiến, vẫn là gạo bể nhưng được đảm bảo sự sạch sẽ, hợp vệ sinh. Muốn nấu cơm tấm đúng chuẩn thì hạy gạo phải tơi xốp, mềm mịn, không bị vón thành từng cục hay nhão nhoét.

Muốn vậy, bạn phải nấu gạo tấm bằng xửng hấp, tức là sôi gạo. Sau khi vo sạch gạo, cho nó vào khăn sạch hoặc vải mùng, vải the để trong xửng hấp.

Bên dưới nồi cho thêm nước và lá dứa để tạo mùi thơm. Đậy nắp kín để hấp trên nền lửa vừa phải cho đến khi hạt gạo nở mềm ra. Bạn dùng đũa để đánh tơi hạt cơm là xong.

Còn nếu không có xửng hấp, bạn có thể dùng nồi cơm điện bình thường. Vo và ngâm gạo tấm trước khoảng 20 phút, rồi sau đó mới cho vào nồi nấu. Định lượng một chén gạo nấu cùng một chén rưỡi nước là đủ. Đợi cơm chín hẳn hẵng mở nắp xới cơm, tránh để bị vón cục hoặc nhão cơm.

Công đoạn ướp thịt nướng

Thịt nướng ăn cùng cơm tấm phải là thịt ba rọi, hoặc sườn heo, nhưng lựa chọn hoàn hảo nhất là sườn cốt lếch. Bạn nên đi chợ từ sớm, chọn những miếng sườn tươi, còn nguyên miếng. Lưu ý chặt đều nhau.

Gia vị để ướp sườn nướng gồm đường, mật ong, muối, nước mắm, bột ngọt, hành tím, tỏi, sữa đặc và nước ngọt. Điều đặc biệt, để cơm tấm đúng điệu Sài Gòn, bạn phải có rượu mai quế lộ.

Các gia vị này xay nhuyễn và ướp rưới lên miếng thịt. Tốt nhất bạn nên ướp trước một đêm để sườn ngon hơn, thấm đều hơn.

Bì và chả trứng không thể không có

Chả trứng là món ăn được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn cùng bún gạo đã ngâm mềm, trứng nấm mèo, gia vị, hành lá. Tất cả đem hấp chín.

Có hai kiểu là hấp theo xửng to sau đó sắt miếng và hấp thành từng bát nhỏ. Người ta thường cho thêm lòng đỏ trứng gà lên bề mặt chả để màu vàng trở nên bắt mắt hơn. Một món chả trứng ngon thì phải chín đều, mềm và có mùi thơm.

Bì là da lợn được luộc cho hết mỡ, sau đó thái nhuyễn và trộn với thính. Bì ngon thơm mùi thính, dai sần sật, hòa quyện với mùi của sườn và chả trứng.

Nước chấm – linh hồn của cơm tấm

Nước chấm phải là loại nước mắm được nấu với đường. Sau đó, pha với chanh, tỏi, ớt vừa độ. Thiếu đi nước chấm, cơm tấm mất hẳn đi vị ngon.

Trên đây là cách làm cơm tấm Sài Gòn đúng chuẩn vị. Bạn có thể tham khảo để mang lại hương vị thực phẩm mới cho cả gia đình.

Xem thêm: >>>Mách bạn công thức nấu bún riêu cua ngon và đơn giản nhất tại nhà